Nhà thông minh

Điện mặt trời vẫn là… “giấc mơ xa tầm tay”

17/03/2017 13:53:54 7 Lượt xem
Mặc dù có tiềm năng phát triển điện mặt trời rất lớn, nhưng Việt Nam mới chỉ khai thác được rất ít nguồn năng lượng này do thiếu lộ trình phát triển rõ ràng và chưa có cơ chế hỗ trợ giá cho phát triển điện mặt trời.
Đó là nhận định của các chuyên gia tại buổi tọa đàm “Năng lượng mặt trời – Nguồn năng lượng của tương lai” do Mạng lưới Thế Hệ Xanh Việt Nam tổ chức với sự hợp tác của Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) và viện Rosa Luxemburg Stiftung tại Hà Nội cuối tuần qua.
 
Chi phí đầu tư ban đầu cao là rào cản phát triển điện mặt trời ở Việt Nam

 

Nguồn năng lượng tương lai

 

Dưới áp lực của tốc độ phát triển kinh tế xã hội và sự gia tăng dân số nhanh, nhu cầu năng lượng của con người cũng ngày một tăng lên. Mỗi năm, nhu cầu điện năng ở Việt Nam tăng khoảng 15%, trong khi đó các nguồn năng lượng hóa thạch như than, dầu mỏ, vv.. đang giảm nhanh chóng và sẽ cạn kiệt trong tương lai. Công suất thủy điện cũng giảm dần do tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến lượng nước tại các hồ thủy điện, cộng với những tác động về mặt môi trường. Do vậy, phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời (NLMT) đang trở thành một xu thế cho tương lai.

 

Theo Giáo sư Đặng Đình Thông, thuộc Viện Vật Lý Kỹ Thuật - Đại học Bách khoa Hà Nội, xu hướng hiện nay trên thế giới là phân tán các nguồn cung năng lượng, và nhờ đó, điện mặt trời có chỗ đứng với công suất 1 nhà máy ngày càng tăng.

 

 

Mỗi ngày mặt trời chiếu xuống trái đất đã cung cấp 1 lượng năng lượng gấp 15 nghìn lần năng lượng hoá thạch và năng lượng nguyên tử cộng lại. Đo vậy, phát triển NLMT sẽ đem lại nhiều lợi ích như giúp bảo vệ môi trường do không gây phát thải khí, không tiêu tốn nhiên liệu, lắp đặt và vận hành đơn giản ở mọi nơi.

 

Tính cho tới thời điểm đầu năm 2011, thế giới đã có tới gần 40GW điện sản xuất từ NLMT.  Trong đó, công suất lắp đặt mới năm 2010 là 16.6GW, nước Đức đóng góp gần 50%.  Lượng điện sản xuất ra từ năng lượng mặt trời năm 2010 bằng 1 nửa nhu cầu điện năng của cả nước ta.

 

Trong vòng 5 năm qua, công suất lắp đặt điện mặt trời (ĐMT) đã tăng nhanh nhờ những nỗ lực về chính sách nghiên cứu phát triển, hỗ trợ công nghiệp và đặc biệt là chính sách biểu giá FIT, hỗ trợ điện từ năng lượng tái tạo (NLTT). Bình quân mỗi năm công suất lắp đặt tăng 50%, trong vòng 5 năm trở lại đây.

 

Năm 2008, tổng công suất lắp đặt ĐMT đạt 16GW trên toàn thế giới, chỉ 1 năm sau đã tăng lên tới 22GW và năm 2010 đạt xấp xỉ 40GW.  Trong đó Châu Âu chiếm tới 75% sản lượng điện từ NLMT. Trung Quốc cũng là 1 thị trường mới nổi nhờ sự đầu tư lớn vào ngành công nghiệp sản xuất pin MT cũng như chính sách trợ giá cho người tiêu dùng. Năm 2011 đánh dấu 1GW công suất  lắp đặt đầu tiên của nước này.

 

GS Thông cho biết, ở Việt Nam, tiềm năng năng lượng mặt trời được phân tán trên cả nước, trong đó, khu vực từ Đà Nẵng trở vào Nam Bộ có tiềm năng năng lượng mặt trời rất lớn, khoảng từ 14-175 kcal/cm2/năm.

 

Ông Đỗ Đức Tưởng – Trưởng nhóm DEVI-Renewable Energies, một tổ chức phát triển NLTT cho biết, Đức là nước đứng đầu thế giới về công suất lắp đặt pin mặt trời. Đức cũng là nước đầu tiên đưa ra luật năng lượng tái tạo (EEG) và luật này đã chứng minh hiệu quả của nó khi thúc đẩy các ngành công nghiệp NLTT phát triển.

 

Công suất lắp đặt mới của Đức mỗi năm tăng gấp đôi, từ 1.8GW năm 2008 lên 3.8GW năm 2009 và lên 7.4GW năm 2010.

 

Đức vừa thông qua Biểu giá mới cho điện mặt trời nói riêng và điện từ các nguồn NLTT nói chung, có hiệu lực từ Tháng 1 năm 2012. Mỗi năm giảm mức giá này đi 9%.

 

 

Chi phí vẫn là rào cản…

 

Theo GS Thông, ở các nước phương Tây, chi phí để lắp đặt hệ thống NLMT lên tới 8.000USD-10.000 USD/1kWp, mô đun PMT4000-5000 USD/kWp. Đây là chi phí ban đầu khá cao so với mức đầu tư cho các nguồn năng lượng khác như than, dầu khí và thủy điện, và cũng là rào cản cho sự phát triển điện mặt trời ở nước ta.

 

Ông Tưởng cho biết, lý do nước Đức vẫn phát triển NLMT rất nhanh là do họ có lộ trình phát triển rõ ràng, với định hướng theo từng giai đoạn cụ thể. Chính phủ Đức cũng có chính sách hỗ trợ đầu tư ban đầu cho người dân và có cam kết lâu dài.

 

“Họ khuyến khích người dân phát triển NLTT, trong đó có điện mặt trời và đấu nối lên hệ thống quốc gia. Nếu hộ gia đình đó sử dụng điện ít hơn số điện năng họ đấu nối lên hệ thống thì chính phủ sẽ trả tiền cho họ với mức giá cao hơn giá điện bình qua của quốc gia. Ngược lại, nếu họ dùng nhiều hơn số điện năng họ đấu nối lên hệ thống thì họ sẽ phải trả tiền, nhưng chính phủ có hỗ trợ giá,” ông Tưởng cho biết.

 

Cũng theo GS Thông, ở nước ta, tổng công suất lắp đặt cho đến nay mới đạt khoảng 1,6 – 1,8 MWp, trong đó, 25-30% cho hộ gia đình; ngành thông tin viễn thông, 35%; và giao thông đường sông, đường biển: 35.

 

Một vài hệ nguồn pin mặt trời được phát triển tại các hộ miền núi, vùng sâu, vùng xa. Một số làng, xã đã lắp hệ nguồn lai ghép (PMT + diesel ; PMT + thủy điện, PMT + động cơ gió, … + ắc qui) phát triển ở các làng, xã chủ yếu do đầu tư của chính phủ hoặc tài trợ của nước ngoài. Ngànhnh viễn thông và ngành giao thông đường thủy cũng đã có những ứng dụng hệ nguồn lai ghép.

 

Hiện nay nước ta đã phát triển một hệ nguồn điện mặt trời nối lưới ở Bộ Công thương. Ngoài ra cũng có hai hệ nguồn điện NLMT hỗ hợp tại Gia Lai với sự tài trợ của Đức và tại Cù Lao Chàm, Quảng Nam với sự tài trợ của Thụy Điện.

Chú thích ảnh: Chi phí đầu tư ban đầu cao là rào cản phát triển điện mặt trời ở Việt Nam

 

Thảo Nguyên - dantri.com.vn